DANH MỤC SẢN PHẨM

Làm sao để Khởi Nghiệp....sống sót - Chủ đề được quan tâm

Th 6 18/10/2019

Tại sao khi Khởi Nghiệp đa phần đứt gánh giữa đường và nhận thất bại ê chề? Hiện nay phong trào Khởi Nghiệp ngày càng lan rộng, nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp, nhưng vì sao thành quả cuối cùng chỉ dành cho một vài người? Cùng lắng nghe chia sẻ của những người dám quyết định táo bạo rẽ ngang cuộc đời, thậm chí thất bại rất nhiều trước khi trụ vững đến hôm nay.

Phải biết mình muốn gì, ưu tiên gì trước - Ưu tiên theo từng giai đoạn của hành trình Startup

Nhắc đến ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup, ít ai biết đây là một người có “gan lớn” khi quyết định bảo lưu kết quả học tập ngay năm nhất Đại học Mỏ – Địa chất, là ước mơ của nhiều người, để theo đuổi đam mê kinh doanh. Ngay lúc còn đang học lớp 11 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), chàng trai Ba Vì đã cùng một thầy giáo mở trung tâm luyện thi đại học khu vực Hà Đông.

Những ngày đó, chàng thanh niên chưa 18 tuổi luôn trăn trở: “Sau này nếu mình đi xin việc, ai sẽ là người tạo việc làm cho mình”. Sau đó, anh quyết định chính mình sẽ làm chủ cơ hội, tự tạo việc làm cho bản thân, cho người thân và cho nhiều người khác. Con đường mà anh chọn để thực hiện ước mơ đó là kinh doanh.

“Ngày ấy, một gia đình nông thôn có 4 con như nhà tôi, bố mẹ thường chỉ nuôi được một người ăn học. Nếu tôi đi học, các em tôi phải hy sinh cơ hội. Do đó, tôi quyết định dừng việc học lại vài năm. Khi công việc kinh doanh ổn rồi, tôi sẽ quay lại học tiếp”, ông Thủy trải lòng thêm sự lựa chọn ngày ấy. Lựa chọn ấy giúp ông giải quyết được hai việc, vừa theo đuổi được đam mê kinh doanh, vừa giúp các em có cơ hội học tập tiếp.

Từ những bước đi ban đầu với trung tâm luyện thi đại học khá thành công, nhưng lại thất bại với công ty cung cấp người giúp việc hay công ty buôn bán thiết bị máy tính, đến năm 2008, với ước mơ thay đổi cách học của người Việt, ông Thủy thành lập Công ty Egame, tiền thân của Tập đoàn Egroup hiện nay. Qua hơn 10 năm phát triển, Egroup đã xây dựng được một chuỗi công ty con, tập trung phát triển nhiều lĩnh vực xung quanh hệ sinh thái giáo dục: sức khoẻ, thực phẩm hữu cơ cao cấp và công nghệ.

Bình luận việc sinh viên có nên tạm dừng học hành để tìm kiếm đam mê hay theo đuổi một mục tiêu đã định trước đó không, ông Thủy cho rằng, sinh viên cần phải biết bản thân thật sự muốn gì, ưu tiên việc gì trước và tại sao lại quyết định như vậy. Một khi đã quyết định, hãy chịu trách nhiệm tuyệt đối với điều đó và đừng bao giờ hối hận. Đây cũng là phong cách mà ông dùng để nhận diện tố chất của một startup thành công.

Đơn cử như thương vụ Soya Garden. Đây là hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam lên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 1. Thời điểm đó, CEO trẻ Hoàng Anh Tuấn và chị gái mong muốn gọi 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần của Soya Garden. Kết quả là cả 4 “cá mập” chính trong chương trình từ chối, chỉ duy nhất “cá mập khách mời” Nguyễn Ngọc Thủy đồng ý rót vốn vào dự án.

Sở dĩ ông Thủy mạo hiểm “ngược chiều” quan điểm với các nhà đầu tư còn lại vì ông tin tưởng vào tố chất CEO của Soya Garden Hoàng Anh Tuấn. Chỉ trong khuôn khổ buổi ghi hình, Hoàng Anh Tuấn toát lên khí chất của một người khởi nghiệp, có tinh thần học hỏi, dám thừa nhận cái không biết của mình.

Đầu tư vào startup chủ yếu là đầu tư vào con người. Vì vậy, ông Thủy cho rằng không thể chỉ dùng tư duy định lượng để đánh giá, thay vào đó phải phân tích định tính về người sáng lập, xem con người ấy có tầm nhìn không, có tin cậy được không, có đủ nhiệt huyết không, có khát vọng đủ lớn không, có kiên trì đến cùng không.

Tính đến cuối tháng 4/2019, tập đoàn Egroup đã nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng, biến Soya Garden từ một dự án bị ít quan tâm trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất Shark Tank Việt Nam từ trước đến nay.

Quản trị tài chính – yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại

Ông Trần Anh Dũng – CEO & Founder MOG cho biết từng có 4 lần lập hoặc tham gia các dự án khởi nghiệp nhưng có đến 3 lần thất bại. Theo ông, ý tưởng khởi nghiệp chỉ đóng góp 1% cho sự thành công của các dự án. Quan trọng hơn là phải có đam mê, theo đuổi mục đích tới cùng. Bởi vì khởi nghiệp đến một thời điểm nào đó sẽ rất khó khăn, nếu không đủ đam mê sẽ bỏ cuộc ngay. Tiếp theo là xem xét cơ hội, môi trường kinh doanh, hiểu biết, mối quan hệ trong lĩnh vực đó – yếu tố được coi là nền tảng, địa thế để thắng trận, và cuối cùng là vấn đề cộng sự, nhân sự đồng hành.

“Sau nhiều năm khởi nghiệp, trải qua đủ loại thăng trầm, sướng khổ, cuối cùng chúng tôi cũng sống sót được tới tận bây giờ. Có một thứ tác động rất lớn tới sự phát triển và tính ổn định của chúng tôi trong suốt thời gian qua đó là tài chính quản trị. Chúng tôi ý thức rất rõ việc này quan trọng như nào đến sự sinh tồn của mình. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp, chúng tôi đã tuân thủ một cách chặt chẽ những thứ tối thiểu nhưng tối trọng trong quản trị tài chính”, CEO MOG nhấn mạnh yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại.

Ngày nay, cái bắt tay giữa cộng đồng startup với các tập đoàn lớn đã không còn là điều xa lạ ở trên thế giới. Tại Việt Nam, một số tập đoàn lớn trong nước như VinGroup, Viettel, FPT… cũng đã thành lập quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Vị CEO này nói thêm: “Có sẵn nguồn lực nào, là bớt lo, bớt phải tính toán được một việc. Ví dụ, founder (người sáng lập) có tài chính vững rồi thì chỉ cần lo về công nghệ, về co-founder (người đồng sáng lập), về con người là đủ. Còn cái gì cũng phải lo, thì rất khó mà khởi nghiệp“.

NT Khởi Nghiệp - ST- Nguồn KNT


Thu gọn